Khoa học từng có những bước dzích dzắc, trước đi từ A đến B, sau lai thấy A đúng phải lùi lại A, nên tôi không dám khẳng định thuyết nào đúng thuyết nào sai, nhưng thiết nghĩ chúng ta nên biết đại khái diễn trình hưng suy của ngũ hành trong Tử Vi ở Đài Loan trong thời trăm hoa đua nở. Bởi không có gi đáng tiếc bằng bỏ bao nhiêu công lao mà chỉ đi vào vết xe đổ của ngưòi xưa.
Năm 1985 ông Sở Hoàng (Đài Loan) ra quyển "Tử Vi Hỉ Kị thần đại đột phá" bảo rằng ngũ hành đóng vai trò chủ yếu trong Tử Vi. Điểm chính là ông dựa vào lý vượng tướng hưu tù tuyệt mà luận sự cường nhược của chính tinh.
Cùng trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thập niên 80 có ông Phương Vô Kị mở trường dạy Tử Vi,có phổ biến 7 tập giáo tài ra ngoài thị trường, trong đó có 4 tập cực kỳ đồ sộ (nghe đâu mỗi tập đồ sộ này đều dày trên 500, 600 trang). Tiếc là tôi chỉ mua được hai tập bề dày bình thường (dưới 200 trang) nên không rõ toàn thể lý thuyết của ông Phương Vô Kị, tuy nhiên cũng thấy ông áp dụng lý ngũ hành vượng tướng hưu tù tuyệt để luận sự cường nhược của các chính tinh.
Hai vị này là những nhân vật nổi tiếng một thời,nhưng mau chóng chìm vào quên lãng để nhường chỗ cho một trào lưu khác mà đại biểu nổi bật đầu tiên là ông Liễu Vô cư sĩ.
Khiông Sở Hoàng ra sách Tử Vi Hỉ Kị thần đại đột phá ông Liễu Vô cư sĩ đã thành danh từ khá lâu trong làng Tử Bình (sách ra từ năm1980). Điểm này quan trọng vì nó cho ta biết là ông Liễu Vô cư sĩ hết sức quen thuộc với lý ngũ hành hỉ kị của khoa Tử Bình.
Xin tự trích một phần tôi đã viết đăng báo ngày xưa về nhân vật độc đáo này:
"Từ cách lập luận trong các bài viết cũng như dựa theo thư mục các sách đã xuất bản đầu thập niên 1990 ta biết ông Liễu Vô Cư Sĩ lập danh là chuyên gia Tử Bình, với hai quyển sách “Hiện đại nhân đích bát tự” (bát tự của người hiện đại) và “Bát tự đích thế giới” (thế giới của khoa bát tự) in năm 1980. Soạn giả chưa được đọc hai quyển này, nhưng nghe nói trong đó ông kịch liệt đả phá cách xem bát tự của người xưa. Thì ra, ngay với hai quyển sách đầu tay, dấu hiệu cách mạng (hay “phá hoại”, tùy người nhận định) của ông đã tỏ lộ ra rồi.
...
Vì một tình cờ của lịch sử, thập niên 1980 chính là lúc mà khoa Tử Vi vào giai đoạn sôi bỏng của phong trào “trăm hoa đua nở” kéo dài hai thập niên ở Đài Loan cũng như Hồng Kông. Có lẽ vì coi Tử Vi là một cuộc cách mạng so với khoa bát tự như ông giải thích sau này trong quyển “Đẩu số nghi nan 100 vấn đáp - hiện đại thiên”, Liễu Vô cư sĩ hăng hái tham gia phong trào này, và trở thành một tên tuổi lớn. Tính đến năm 1993 ông đã cho ra đời 11 tựa sách tử vi, tổng cộng 22 quyển. (Các sách ông ra sau này thì soạn giả không nắm vững, mong được các vị khác bổ túc.)
Dựa trên thành tích mà đoán thì khúc quanh lớn nhất trong sự nghiệp mệnh lý của ông phải kể là năm 1992. Năm ấy, ngoài việc tái bản hai quyển sách bát tự kể trên, ông còn xuất bản quyển “Tử Bình chân thuyên hiện đại bình chú” và hai quyển tiên đoán tình hình chính trị, tuyển cử ở Đài Loan bằng mệnh lý. Nhưng thành công rực rỡ nhất của ông năm này là quyển ‘Tử Vi luận mệnh bất cầu nhân’ (Luận mệnh bằng tử vi không cần nhờ người khác). Giữa lúc sách Tử Vi mới được in như rừng, sách này của ông bán chạy ngoài sức tưởng tượng, chỉ sau 20 ngày đã tái bản.
Nhờ tính hiện tượng của sách “Tử Vi luận mệnh bất cầu nhân” mà cách xem Tử Vi khá ngược đời của ông Liễu Vô cư sĩ trở thành kiến thức phổ thông ở Đài Loan cũng như Hồng Kông, lần hồi được vài người khác trong giới trí thức tin theo và viết sách xiển dương, đưa ông lên vị trí của một nhà lập thuyết có chỗ đứng vững chắc trong lịch sử hiện đại của khoa Tử Vi.
Về căn bản Tử Vi, ông xuất phát từ phái Tử Vân. Chủ trương chính của phái này là phải khảo sát mọi ngành huyền học bằng nhãn quan khoa học. Mặc dù sau này chọn một con đường khác, ông Liễu Vô cư sĩ vẫn tiếp tục xiển dương chủ trương trọng khoa học của phái Tử Vân. Thỉnh thoảng ông vẫn nhắc lại những quan điểm của ông Tử Vân (mà ông gọi là “Tử Vân tiên sinh” tức “thầy Tử Vân”) một cách trân trọng, mặc dù trong đó có một số quan điểm mà ông không còn đồng ý nữa.
Với cái nhìn khoa học và thực tế, ông Liễu Vô cư sĩ chủ trương thực nghiệm là tiêu chuẩn tối hậu. Hiển nhiên quan điểm của ông khác hẳn người xưa. Có lẽ vì thế mà lắm khi ông phê bình người xưa, kể cả đạo sĩ Trần Đoàn tức nhân vật được tin là tổ sư của khoa Tử Vi, rất gay gắt. Đặc điểm này có thể thấy rõ trong “Đẩu số tuyên vi hiện đại bình chú” (2 quyển) và “Đẩu số nghi nan 100 vấn đáp” (2 quyển, có tên “cổ điển thiên” và “hiện đại thiên”).